00:45 | Author: Nông dân Việt Nam
www.SAGA.vn - Sau những thông tin lạc quan về việc Việt Nam đã ngăn chặn được suy thoái kinh tế và đang trên đà tăng trưởng, thời gian gần đây, và nhất là sau Tết Canh Dần, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đón nhận nhiều tin không thể vui được, có ảnh hưởng rất nhiều đến tình hình sản xuất và kinh doanh năm 2010.

- Cuối năm 2009 giá nước đã tăng, vừa qua đầu năm Canh Dần là dồn dập các tin giá tăng: xăng dầu, và tiếp theo sẽ là giá điện, than và theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, tỷ lệ lạm phát 7% của năm 2010 sẽ là con số khó đạt.

- Một yếu tố đầu vào khác cũng đang có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của DN đó là nguồn nhân lực, tình hình cung ứng nhân lực đả có hiện tượng suy giảm từ đầu năm 2009, sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong năm 2010.

Với tình hình chi phí đầu vào, nguồn nhân lực như thế, doanh nghiệp làm thế nào để duy trì và phát triển cũng như nâng cao tính cạnh tranh trên thương trường?

DN chắc chắn sẽ đưa ra nhiều giải pháp như nâng cao chất lượng đầu tư, thay đổi công nghệ, bổ sung thiết bị hiện đại nhằm giảm tiêu hao năng lượng, nguyên vật liệu từ đó sẽ giảm chi phí sản xuất, hoặc cũng sẽ có DN chọn con đường tiêu cực là giảm chất lượng nguyên vật liệu để giảm chi phí đầu vào. Nhưng sẽ có bao nhiêu DN có đủ khả năng để theo đuổi các giải pháp trước, trong tình hình vốn đầu tư đang bị suy giảm, nguồn vốn vay trung dài hạn từ Ngân hàng đang bị hạn chế, chưa kể những chi phí sẽ phát sinh khi DN thực hiện đổi mới công nghệ, thiết bị trong khi chưa chuẩn bị nâng cao năng lực (kỹ năng, kiến thức) nguồn nhân lực hiện có, nếu tính toán kỹ đôi khi các giải pháp này lại lợi bất cập hại! Và điều gì sẽ xảy ra, nếu DN chọn giải pháp sau, có thể giảm hay lại tăng chi phí sản xuất? Cũng như về nguồn nhân lực, DN sẽ tìm đâu ra đủ số lượng đáp ứng yêu cầu sản xuất?

Chúng ta hãy cùng nhau đi tìm những giải pháp khả thi, thực tế hơn.

Trước khi đề xuất các giải pháp, cần trả lời vài câu hỏi:

1. Có bao nhiêu phần cán bộ quản lý sản xuất (CBQLSX) của DN Việt Nam đã được trang bị và có đủ trình độ quản lý chưa hay chỉ mới chỉ là những chuyên gia kỹ thuật giỏi?

2. Trong sản xuất hiện nay, các DN có nhận thấy là tồn tại quá nhiều lãng phí không? DN đánh giá chi phí sản xuất tăng bao nhiêu phần trăm do những lãng phí này?

3. Lãnh đạo DN hiện đang dành bao nhiêu phần trăm sự quan tâm của mình vào sản xuất hay đang phó mặc cho cấp dưới?

Để giải quyết tình trạng nêu trên, cũng là để vượt qua những khó khăn của DN trong tình hình chi phí đầu vào tăng cao, cần quan tâm nhiều đến việc nâng cao kỹ năng quản lý cho CBQLSX, cũng như DN cần mạnh dạn áp dụng một số phương pháp quản lý đơn giản, hiệu quả để đạt được mục tiêu “đầu tư với chi phí thấp nhất, hiệu quả đạt được tốt nhất”.

Hiện nay, một số DN Việt Nam đang có quan điểm chọn lựa một số giải pháp quản lý hiện đại, tiên tiến như LEAN, SixSigma, ERP ứng dụng vào trong công tác quản lý DN. Nhưng nên chăng các cơ quan quản lý chất lượng có một cuộc khảo sát, đánh giá xem hiện nay bao nhiêu DN Việt Nam đang thực hiện Lean, SixSigma hiệu quả đúng với thực chất của chúng? Còn với ERP, cần đánh giá trên diện rộng hơn, cả trên toàn thế giới, hiện nay có bao nhiêu DN đã áp dụng đạt hiệu quả giải pháp này, chứ chưa cần nói đến DN Việt Nam. Những thông tin này sẽ giúp DN Việt Nam trong việc quyết định có nên đầu tư bằng các giải pháp nói trên trong lúc này không.

Vấn đề cần đặt ra là có thể áp dụng các phương pháp quản lý trên không? Nếu trình độ, năng lực của CBQL chưa đạt yêu cầu, ngay cả những kiến thức cơ bản về quản lý sản xuất còn chưa được trang bị, cùng với hiện trạng quản lý hiện nay của đa phần các DN: công tác cung ứng, tiến độ, chất lượng nguyên liệu đầu vào chưa ổn định, mối quan hệ giữa nhà cung cấp và DN sản xuất chưa đạt mức độ tin cậy cần thiết, tình trạng thiết bị lại thường xuyên hư hỏng đột xuất, không kiểm soát được, chất lượng lao động yếu; kế hoạch sản xuất thường xuyên thay đổi do dự báo kinh doanh thiếu chuẩn xác, quản lý quá trình kém, chỉ quan tâm đến số lượng đầu ra (kết quả), chưa ngăn ngừa được những sự cố ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm đạt hiệu quả.

Vì vậy DN cần đánh giá đúng năng lực của DN, của CBQL trước khi quyết định chọn một giải pháp quản lý để áp dụng tránh những lãng phí về đầu tư.

Trở lại vấn đề năng lực của DN trong lĩnh vực sản xuất, chúng ta cần đánh giá là DN Việt Nam đang ở đâu so với sự phát triển công nghệ, quản lý hiện nay trên thế giới? Chắc ai cũng nhìn thấy, ở đây không cần bàn sâu nữa.

Vậy DN Việt Nam nên áp dụng các giải pháp, hệ thống tầm cở nào là hiệu quả?

Có thể nhiều nhà lãnh đạo DN sẽ cười khi đọc các đề xuất dưới đây, và nghĩ rằng đây là sơ đẳng, chẳng đúng tầm của DN. Nhưng xin thưa là với kinh nghiệm thực tế, đã áp dụng tại nhiều DN, hiệu quả mang lại không nhỏ và nó đến ngay trong quá trình thực hiện không phải chờ lâu, với một chi phí đầu tư cực thấp và sẽ được thu hồi ngay trong thời gian sớm nhất, và một điểm quan trọng hơn, chúng phù hợp với năng lực của CBQL DN Việt Nam, cũng như thích hợp với môi trường DN hiện nay.

Hai giải pháp đề xuất ở đây là: Chương trình Kaizen-5S (Nhật) và Good House Keeping (GHK) của tổ chức GTZ (CHLB Đức). Lý thuyết là đơn giản, nhưng mấu chốt ở đây là phương cách thực hiện.

Để có thể đưa 2 chương trình này ứng dụng vào DN, cần triển khai theo các bước sau:

1. Đánh giá hoạt động sản xuất của DN.

2. Đánh giá trình độ, năng lực CBQLSX.

3. Có được sự cam kết quan tâm, hỗ trợ và tham gia tích cực của lãnh đạo DN.

4. Đào tạo những kỹ năng, công cụ QLSX cần thiết, phù hợp với trình độ, năng lực CBQL.

5. Đào tạo Kaizen-5S cho lãnh đạo DN, CBQL các cấp, và cả công nhân.

6. Thực hiện 5S (5S thực tiễn, có cải tiến, định hướng đến Lean, chứ không chỉ 5S đơn giản như trước đây - là vệ sinh, sạch sẽ, ngăn nắp).

7. Đào tạo và hình thành nhóm GHK, có khả năng, kỹ năng phát hiện và đề xuất các giải pháp giảm chi phí sản xuất trong DN.

8. Duy trì 5S và thực hiện GHK thường xuyên.

9. Định kỳ đánh giá, cải tiến 5S và GHK.

Với 2 chương trình này, DN sẽ đạt được:

a. Các lãng phí, bất hợp lý trong quá trình sản xuất sẽ dễ dàng được phát hiện, nhận dạng.

b. Quá trình diễn ra các hoạt động sẽ đơn giản, gọn gàng hơn, giảm thiểu thời gian sản xuất.

c. Quản lý chất lượng sản phẩm tốt hơn do các sai lỗi được phát hiện và ngăn ngừa sớm.

d. Thao tác thừa bị loại bỏ, lượng công lao động cần cho sản xuất có thể tiết giảm, việc sử dụng nguồn lực lao động sẽ hiệu quả.

e. Cán bộ, công nhân được tạo điều kiện để thể hiện bản thân, nâng cao tinh thần trách nhiệm sẽ phát huy tối đa năng lực, tính đoàn kết, hỗ trợ trong sản xuất, do đó sẽ đề xuất nhiều giải pháp giảm chi phí, tăng năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm.

f. Hiệu quả thấy ngay, tạo động lực cho lãnh đạo, cán bộ công nhân.

g. Chi phí đầu tư thực hiện thấp, thời gian hoàn vốn nhanh.

Những bước tiếp theo của các chương trình này mới sẽ là nhóm CI (continuos improvement), là LEAN rồi mới đến SixSigma. Đừng vội bước nhanh khi đôi chân còn mềm yếu, non nớt.

Hy vọng với các giải pháp đơn giản trên, các DN Việt Nam có thể nâng cao năng lực quản lý, tiết giảm chi phí sản xuất để giữ vững mức tăng trưởng trong giai đoạn khó khăn sắp tới.

00:37 | Author: Nông dân Việt Nam
ẽ xây dựng hệ thống sàn giao dịch kết nối cung cầu nông nghiệp thực phẩm tại các huyện, thị trong quý 2/2010 là nội dung được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phố Chợ thống nhất tại Hội nghị ngày 2/3 tại Hà Nội.

Hệ thống sàn giao dịch này là nơi cung cấp thông tin hàng hóa, giá cả, thị trường, là mạng lưới thu mua và phân phối hàng hóa nội địa cùng nhiều tiện ích khác.

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng xây dựng hệ thống sàn giao dịch kết nối cung cầu nông nghiệp thực phẩm đến tận các huyện, thị là việc làm cần thiết nhằm phục vụ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho các địa phương, tạo cơ hội cho nông dân tham gia tiếp cận với mô hình thương mại quốc tế hiện đại, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Nguyễn Duy Lượng khẳng định, đây là kênh cung cấp thông tin tốt, là mô hình tiên phong trong giới thiệu nông sản Việt Nam ra thị trường khu vực và thế giới.

Một mặt, sàn thiết lập mạng lưới thông tin rộng lớn và chất lượng, phục vụ các cơ quan quản lý nhà nước và cung cấp cho doanh nghiệp; đưa các hoạt động mua bán trao đổi sản phẩm nông nghiệp thực phẩm vào công khai theo phương thức kinh doanh hiện đại, kết nối sản phẩm đầu vào, đầu ra thông suốt, chống đầu cơ tạo giá, giảm thiểu các chi phí đầu tư... Mặt khác, sàn góp phần nâng cao năng lực hoạt động hỗ trợ nông dân của các cấp hội, tăng cường năng lực, chất lượng và khả năng quản lý thông tin.

Theo lộ trình đề ra, trong giai đoạn từ năm 2010-2015, hệ thống sàn giao dịch sẽ được xây dựng tại các huyện, thị có vùng nông sản lớn, đặc trưng; từ năm 2015-2020 sẽ xây dựng thương hiệu vùng đi ra thế giới; từ năm 2021 trở đi sẽ thiết lập một liên minh của các nhà sản xuất và phân phối Việt với hậu phương vững chắc, gắn kết toàn thể cộng đồng người tiêu dùng Việt Nam cũng như các kiều bào trên thế giới.

Trong năm 2010, sẽ có 4 sàn giao dịch trung tâm tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ được xây dựng để tiếp nhận thông tin, xử lý và đào tạo nhân sự làm cơ sở phát triển các sàn giao dịch trong khu vực.

Trước mắt, trong quý 2/2010, trung tâm đầu tiên tiếp nhận thông tin từ các thành viên và các sàn giao dịch khác sẽ hình thành tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cần Thơ - trung tâm thứ 2 phát triển mô hình sàn cho 13 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng vào quý 3/2010, Hà Nội và Đà Nẵng sẽ làm phòng trưng bày thông tin trong giai đoạn đầu và phát triển thành trung tâm vào quý 4/2010 .

Từ năm 2007, Công ty Phố Chợ đã phối hợp với Hội Nông dân Việt Nam phát hành ấn phẩm “Niên giám nông nghiệp và thực phẩm” và xây dựng trang thông tin “niengiamnongnghiep.vn” với 40.000 thành viên tham gia, trong đó có trên 1.000 thành viên thường xuyên giao dịch.

Thời gian qua, Công ty Phố Chợ đã hoàn thành việc khảo sát, thu thập dữ liệu để xây dựng sàn giao dịch kết nối cung cầu nông nghiệp thực phẩm đến cấp huyện với mục tiêu kết nối cung cầu và tiêu thụ nông sản hàng hóa của các địa phương./.

Chu Thanh Vân (Vietnam+)