23:42 | Author: Nông dân Việt Nam
Trang bị kiến thức, kỹ năng để công nhân vững vàng bước vào thị trường lao động và ý thức rõ vai trò, vị trí của mình trong xã hội là điều Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Nguyễn Huy Cận trăn trở khi trò chuyện với NLĐ Xuân Canh Dần

. Phóng viên: Thưa ông, vào thời điểm này năm ngoái, tình trạng công nhân (CN) mất việc bắt đầu rộ lên ở TPHCM nói riêng và cả nước nói chung. Đến nay, ở TPHCM, 80% CN mất việc đã tìm được việc làm. Tổ chức Công đoàn TP đã làm gì để hỗ trợ CN trong quá trình tìm lại việc làm này?

- Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Nguyễn Huy Cận: Cuối năm 2008 đầu năm 2009, suy thoái kinh tế của thế giới ảnh hưởng đến nước ta khiến rất nhiều doanh nghiệp (DN) phá sản hoặc gặp khó khăn phải đóng cửa hay tạm ngừng hoạt động, kéo theo hàng loạt CN mất việc.

Đến nhiều DN như vậy ở TPHCM, những người làm công tác Công đoàn chúng tôi không khỏi xót xa khi chứng kiến cảnh CN xôn xao đón nhận thông báo mất việc, sau đó rối rít hỏi nhau đi đâu, đến nơi nào để tìm kiếm chỗ làm mới.

Từ đó, chúng tôi hiểu rằng đẩy mạnh việc trang bị vốn liếng, kiến thức cho CN như một thứ “vũ khí” để họ vững vàng bước vào thị trường lao động là chuyện cấp thiết.

Trong quá trình trang bị vốn liếng, kiến thức cho CN, có rất nhiều việc phải làm, trước hết là cung cấp thông tin liên quan cần thiết. Chúng tôi thống kê các DN đồng dạng để thông báo cho CN. Chẳng hạn, khi biết một DN may sắp giải thể hay tạm ngưng hoạt động và sẽ cắt giảm hoặc cho CN nghỉ việc, chúng tôi phải lập tức thống kê những DN may khác để giới thiệu cho họ đến tìm việc.

Cùng lúc, chúng tôi cung cấp thông tin về thực trạng các DN để CN nắm rõ. Bên cạnh các DN làm ăn hiệu quả, thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động, chúng tôi cũng chỉ ra cho CN thấy DN nào thường nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội; không ký hợp đồng lao động, không có thỏa ước lao động tập thể..., giúp họ có cái nhìn toàn cục.

Nhờ có các thông tin cần thiết này mà trong năm 2009, 80% lao động mất việc ở TPHCM đã tìm được việc làm.

Để đủ sức “mặc cả” với doanh nghiệp

. Ông vừa nói đến thị trường lao động. Đã là thị trường thì lao động phải tuân theo quy luật cung - cầu, giá cả... Vậy, tổ chức Công đoàn TP làm gì để giúp CN có thể đáp ứng được thị trường này?

- Thị trường lao động VN đang hình thành, mà nơi sớm nhất chính là TPHCM. Để CN đáp ứng được quy luật cung - cầu, giá cả của thị trường này, tổ chức Công đoàn cần cung cấp “vũ khí” cho họ, giúp họ biết và chọn lựa nơi làm việc phù hợp; cũng như có tay nghề, trình độ văn hóa và hiểu biết pháp luật để có thể “mặc cả” được với DN về giá trị sức lao động của mình.

Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Nguyễn Huy Cận. Ảnh: HỒNG THÚY

Tạo điều kiện cho CN đi học nghề, học văn hóa là vấn đề được tổ chức Công đoàn chú trọng nhiều năm nay. Thật ra, mở trường dạy nghề, dạy văn hóa, trang bị kiến thức, xây nhà lưu trú cho CN... không hẳn là việc của tổ chức Công đoàn. Mục đích của chúng tôi là qua việc tham gia lĩnh vực này để tiếp cận thực tiễn nhằm đề đạt với Nhà nước những chủ trương, chính sách thích hợp.

Cũng nhằm trang bị vốn liếng, kiến thức cho CN, trong năm 2010, chúng tôi cùng Sở LĐ-TB-XH TPHCM đề xuất thành lập một trung tâm dự báo lao động.

Trung tâm này sẽ thúc đẩy thị trường lao động phát triển bằng cách đưa các thông tin liên quan đến người lao động, như: Lao động nào đang đắt hoặc ế, lao động nào cần đầu tư nhiều, cần cho sự phát triển của TP; DN đang và sẽ đầu tư vào TP cần lao động gì, số lượng bao nhiêu... Từ đó, chúng tôi tạo điều kiện cho CN đi học để đáp ứng theo quy luật cung - cầu.

. Rõ ràng, nếu không học, CN sẽ không nâng chất được và sẽ phải nhận đồng lương thấp theo đúng giá trị sức lao động của họ. Tuy nhiên, liệu họ có thời gian và sức lực để theo học, khi đã vất vả làm việc cả ngày? Từng sát cánh với CN nhiều năm nay, ông có thấy họ thật sự muốn học?

- Đến nhà lưu trú thăm CN, tôi thấy sau một ngày làm việc, các em rất mệt mỏi, nếu phải đi học nữa thì vất vả quá. Mà, nếu không học thì lại khó nâng giá trị để có được đồng lương cao hơn. Đây là điều khiến tôi trăn trở, thao thức rất nhiều.

Để tìm ra lối thoát, trước mắt, tôi nghĩ phải sắp xếp sao để CN vừa có thể nghỉ ngơi tái tạo sức lao động ở nhà lưu trú vừa có thời gian đi học. Việc học thì không ai có thể làm thay cho các em, mà không học thì không thể phát triển được.

Hỏi chuyện nhiều CN, tôi biết không em nào không muốn học thêm để phát triển, từ đó có thu nhập cao hơn. Tôi rất cảm động khi biết lúc lãnh lương ra, ưu tiên số 1 của CN là dành một khoản lo cho cha mẹ, con cái, các em...

Họ có thể cắt giảm chi tiêu của mình chứ không thể cắt giảm khoản phụ giúp gia đình. Bởi thế, phải học để tự nâng giá trị, từ đó tăng lương, tăng thu nhập nhằm phụ giúp cho gia đình nhiều hơn là điều cấp thiết.

Khó khăn, khủng hoảng đã lộ ra nội lực

. Thưa ông, được trang bị “vũ khí”, CN sẽ ý thức được giá trị sức lao động, ý thức được chỗ đứng, vai trò của mình trong thị trường lao động và cả trong xã hội. Phải chăng sự trưởng thành đó của CN đã khiến tình trạng ngừng việc, đình công trong năm 2009 giảm hẳn?

- Khi đã có thông tin, kiến thức cần thiết, CN có thể tự chọn lựa DN thích hợp. Rõ ràng, nếu biết rõ DN này nợ dây dưa lương bổng, bảo hiểm xã hội hay DN kia thường cù cưa không ký hợp đồng lao động..., chẳng CN nào đến đó tìm việc. Ngược lại, họ sẽ tìm đến các DN ăn nên làm ra và có các chế độ thỏa đáng với người lao động.

Khi đã được trang bị vốn liếng, kiến thức, công nhân sẽ ý thức rõ giá trị sức lao động và chủ động tìm nơi làm việc đáp ứng thỏa đáng khả năng, trình độ của mình

Khi đã được trang bị vốn liếng, kiến thức, CN sẽ ý thức rõ giá trị sức lao động và chủ động tìm nơi làm việc đáp ứng thỏa đáng khả năng, trình độ của mình, không còn “nhắm mắt, nhắm mũi” xin bừa, làm đại chỗ nào đó. Chẳng hạn, khi CN ý thức được trình độ, khả năng của mình xứng đáng nhận mức lương 10 đồng, nếu DN chỉ trả 8 đồng thì họ sẽ mặc cả để có mức lương phù hợp.

Nếu nơi này không trả được theo yêu cầu, họ sẽ tìm đến DN khác. Người lao động tự chọn nơi làm việc phù hợp, chẳng những về mức lương mà còn về điều kiện ăn ở, chế độ đãi ngộ..., chứng tỏ họ đã trưởng thành.

Khi đã được trang bị vốn liếng, kiến thức, công nhân sẽ ý thức rõ giá trị sức lao động và chủ động tìm nơi làm việc đáp ứng thỏa đáng khả năng, trình độ của mình

Khi đã có vốn liếng, kiến thức, CN cũng có thể tẩy chay DN không đáp ứng được yêu cầu về lương bổng, điều kiện làm việc, ăn ở... Làm ở DN nào đó, thấy không phù hợp, CN có thể nghỉ để tìm nơi khác phù hợp hơn.

Nếu CN ý thức được vai trò, vị trí của mình, họ đã trưởng thành. Một khi CN đã trưởng thành, chủ động tìm việc, tìm DN phù hợp, họ sẽ không còn bất ngờ, uất ức vì lương thấp hay vì chế độ đãi ngộ không có... Những phản ứng bức xúc qua chuyện ngừng việc hoặc đình công từ đó sẽ không còn.

Tôi nhận thấy chính khó khăn, khủng hoảng trong năm 2009 đã cho thấy nội lực của CN. Điều đó giúp tổ chức Công đoàn TP đề ra chương trình hành động cụ thể trong năm 2010 để hỗ trợ CN thiết thực, hiệu quả hơn.

Làm sao đào tạo cho được đội ngũ luật sư của tổ chức Công đoàn để bảo vệ quyền lợi CN cũng là một trong những điều khiến chúng tôi trăn trở. Có được đội ngũ này, chúng ta mới thoát cảnh “kêu gào” giúp đỡ CN khi chuyện tranh chấp giữa họ với giới chủ DN phải ra trước tòa.

Thời gian qua, ở TPHCM đã xảy ra chuyện các ông chủ DN bỏ trốn vì nợ lương CN, nợ bảo hiểm xã hội... Cách mà CN thường làm là giữ lại tài sản công ty, không để bị tẩu tán chờ kiện ra tòa.

Nếu thắng kiện, tài sản được phát mãi, CN sẽ được đền bù phần nào tiền lương, tiền bảo hiểm xã hội bị nợ. Vấn đề là chúng ta phải có đội ngũ luật sư để đủ lý lẽ buộc những ông chủ DN như vậy trả lại sự công bằng cho người thợ.

You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.

0 nhận xét: